Thủ tục hưởng chế độ ốm đau là hình thức hợp pháp hóa quyền lợi của người lao động. Theo đó, trong thời gian nghỉ và điều trị ốm đau, người lao động sẽ nhận được một khoản trợ cấp “nho nhỏ” để trang trải cuộc sống, bù đắp phần hao hụt khi không thể làm việc tạo thu nhập và nhanh chóng ổn định công việc.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được hưởng chế độ trợ cấp ốm đau. Cụ thể, chính sách này được áp dụng với những đối tượng như thế nào và thủ tục có phức tạp hay không? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.
Mục lục
Những ai được hưởng chế độ ốm đau?
Những trường hợp được hưởng chế độ trợ cấp trong thời gian nghỉ điều trị ốm đau hoặc chăm sóc người thân ốm đau được quy định rõ ràng tại Điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội .
Cụ thể đó là:
- Người đang tham gia bảo hiểm xã hội bị ốm đau, tai nạn (nhưng không phải là tai nạn lao động); người đang điều trị thương tật, bệnh tái phát do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp buộc phải nghỉ làm. Tất cả đều phải có giấy xác nhận của cơ quan y tế, cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền.
- Người đang tham gia bảo hiểm xã hội nhưng phải nghỉ làm để chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm đau và cũng cần có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền.
Nếu người lao động có biểu hiện ốm đau nhưng thuộc một trong các tiêu chuẩn dưới đây thì sẽ không được hưởng trợ cấp:
- Người nghỉ việc bị ốm đau, tai nạn do say rượu, tự hủy hoại sức khỏe, sử dụng ma túy, tiền chất ma túy.
- Người nghỉ việc lần đầu điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Người bị ốm đau, tai nạn nhưng không phải là tai nạn lao động trong thời gian nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng, nghỉ không lương; nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Thủ tục hưởng chế độ ốm đau
Nếu thuộc đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp, đừng quên hoàn thiện hồ sơ nhanh chóng trong thời gian quy định để được hưởng quyền lợi của mình. Nếu chậm trễ các thủ tục hành chính có thể bạn sẽ không được phê duyệt khoản tiền này.
Đây là nghĩa vụ phải làm của cả người lao động và người sử dụng lao động.
Thủ tục của người lao động
Người lao động có thể chọn nhiều đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh và hình thức điều trị khác nhau. Tùy theo đó, các thủ tục có liên quan cũng sẽ khác nhau.
Trường hợp điều trị nội trú
Thủ tục bao gồm:
- Bản sao Giấy ra viện của chính người lao động hoặc con dưới 7 tuổi của người lao động. Trường hợp người điều trị bệnh tử vong thì phải thay bằng Giấy báo tử có thời gian vào viện (nếu không có phải bổ sung giấy tờ khác có liên quan).
- Bản sao Giấy chuyển tuyến, chuyển viện nếu chuyển tuyến khám, điều trị.
Trường hợp điều trị ngoại trú
Thủ tục cần chuẩn bị:
- Bản chính Giấy chứng nhận nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau hoặc Giấy ra viện có chỉ định của y, bác sỹ về thời gian điều trị thêm sau khi điều trị nội trú.
- Nếu trường hợp nghỉ để chăm sóc con dưới 7 tuổi ốm và cả bố mẹ cùng nghỉ thì chỉ cần bản chính Giấy chứng nhận nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau của 1 trong 2 người, bản còn lại là bản sao.
Trường hợp điều trị tại nước ngoài
Nếu người lao động hoặc con dưới 7 tuổi của họ khám, chữa, điều trị bệnh tại nước ngoài thì cần phải có Bản dịch tiếng Việt giấy khám, chữa bệnh (bản sao công chứng) được cấp bởi cơ sở khám, chữa bệnh ở nước ngoài.
Thủ tục của người sử dụng lao động
Bên cạnh người lao động, người sử dụng lao động cũng cần chuẩn bị:
Bản chính Danh sách 01B-HSB (Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe).
Quy trình nộp hồ sơ để được hưởng chế độ
Sau khi đã chuẩn bị thủ tục cần thiết, người lao động phải thực hiện tuần tự theo từng bước để đảm bảo quy trình xét duyệt hồ sơ được thuận lợi, suôn sẻ và nhanh chóng nhất.
Bước 1: Người lao động phải nộp đầy đủ thủ tục, hồ sơ có liên quan (theo từng trường hợp cụ thể khác nhau) cho người sử dụng lao động.
Bước 2: Người sử dụng lao động có trách nhiệm chuyển giao hồ sơ này tới cơ quan Bảo hiểm xã hội cấp huyện/ tỉnh, nơi tham gia đóng bảo hiểm.
- Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày người lao động nộp hồ sơ, người sử dụng lao động phải hoàn tất Danh sách 01B-HSB gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội.
- Nếu không gửi trực tiếp hồ sơ giấy qua dịch vụ bưu chính mà gửi thông qua hình thức thư điện tử, người sử dụng lao động phải lập hồ sơ điện tử, ký số và gửi lên Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc tổ chức I-VAN.
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Lúc này, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiếp nhận hồ sơ từ người sử dụng lao động, tiến hành xét duyệt và quyết định chi trả trợ cấp cho người lao động.
Bước 4: Người sử dụng lao động hoàn trả cho người lao động
Người sử dụng lao động nhận kết quả giải quyết mẫu số C70a-HD và tiền trợ cấp từ cơ quan Bảo hiểm xã hội gửi cho người lao động đăng ký nhận tiền mặt (tiền trợ cấp được chuyển qua tài khoản trung gian của người sử dụng lao động).
Người lao động có thể đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng của chính mình hoặc nhận trực tiếp tại cơ quan Bảo hiểm xã hội nếu chưa được nhận tại đơn vị làm việc mà đơn vị đã hoàn trả lại số tiền đó cho cơ quan Bảo hiểm xã hội.
Trên đây là một số thủ tục hưởng chế độ ốm đau, giấy tờ cần thiết và quy trình chuẩn để được nhận số tiền trợ cấp theo đúng quyền lợi mà người lao động đáng có. Hy vọng những thông tin này có thể giúp bạn đọc bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN