Chỉ thị 30/CT-TTg

CHỈ THỊ 30/CT-TTg VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI LẬP ĐỒNG THỜI CÁC QUY HOẠCH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050.

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
——–

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 30/CT-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2020

 

CHỈ THỊ

VỀ CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRIỂN KHAI LẬP ĐỒNG THỜI CÁC QUY HOẠCH THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24 tháng 11 năm 2017 (sau đây gọi tắt là Luật Quy hoạch), Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14), Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 11/NQ-CP), các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương) đang chủ động, khẩn trương tổ chức lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, qua đó xác định tầm nhìn, mục tiêu chiến lược, định hướng, phương án phát triển và sắp xếp, phân bổ không gian phát triển, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo đảm phát triển bền vững quốc gia, các ngành, các vùng và các địa phương trong thời kỳ tới.

Để thực hiện thành công nhiệm vụ có tầm quan trọng chiến lược này, đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung thực hiện những nội dung trọng tâm sau đây:

I. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP , Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 13 tháng 9 năm 2019, tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực, khẩn trương tổ chức lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật, pháp lệnh đã được sửa đổi, bổ sung có liên quan đến quy hoạch nhằm góp phần khơi thông các điểm nghẽn phát triển, kết nối các ngành, lĩnh vực, các vùng, địa phương, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tận dụng thời cơ để đón dòng dịch chuyển vốn đầu tư, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030, khẳng định vị thế, tinh thần Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương quán triệt và triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tiếp cận tích hợp quy hoạch được quy định tại Luật Quy hoạch, tăng cường sự phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quá trình lập đồng thời các quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 bảo đảm tiến độ, tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch.

3. Quá trình tổ chức lập các quy hoạch phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Luật Quy hoạch. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương từng bước chuẩn bị sẵn sàng về tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất và năng lực cán bộ để triển khai theo dõi, đánh giá, thực hiện quy hoạch, bảo đảm thực hiện chính sách “Nhà nước quản lý phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường theo quy hoạch đã được quyết định hoặc phê duyệt” quy định tại Điều 10 Luật Quy hoạch, kiên quyết chống tham nhũng, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách trong công tác quy hoạch, quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch, xử lý nghiêm minh các vi phạm.

II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CỤ THỂ

1. Tổ chức lập đồng thời các quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong hệ thống quy hoạch quốc gia:

a) Theo nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ quan tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ trình thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong tháng 8 năm 2020.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan, trình Hội đồng quy hoạch quốc gia văn bản hướng dẫn về quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian các hoạt động kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng, an ninh của quốc gia vào quý III năm 2020.

c) Theo nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 09 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về giao nhiệm vụ cho các Bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cơ quan tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia có văn bản thông tin đề xuất quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng ưu tiên phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia, vùng, tỉnh các hoạt động của ngành, gửi cơ quan thường trực Hội đồng quy hoạch quốc gia trong quý IV năm 2020, trình Hội đồng quy hoạch quốc gia chỉ đạo các địa phương lập quy hoạch vùng, tỉnh để bảo đảm xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất.

d) Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tổ chức lập quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch, chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP và chỉ đạo của Hội đồng quy hoạch quốc gia, bảo đảm phù hợp với Nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh được phê duyệt.

đ) Hướng dẫn lập quy hoạch theo phương pháp tiếp cận tích hợp quy hoạch.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, xây dựng hướng dẫn về cách thức, mức độ tích hợp nội dung các quy hoạch ngành, lĩnh vực vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, hoàn thành trong quý IV năm 2020.

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng hướng dẫn lập quy hoạch theo phương pháp tiếp cận tích hợp quy hoạch.

2. Hội đồng quy hoạch quốc gia tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, các vấn đề có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương trong quá trình lập đồng thời các quy hoạch để bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, kế thừa, ổn định và hệ thống giữa các quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14.

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực của Hội đồng quy hoạch quốc gia) có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương có liên quan tổ chức triển khai lập quy hoạch theo nhiệm vụ được phân công; tổng hợp ý kiến và báo cáo Chủ tịch Hội đồng quy hoạch quốc gia xem xét, giải quyết kịp thời các nội dung vướng mắc vượt thẩm quyền.

– Văn phòng Chính phủ thực hiện nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, giúp việc Phó Thủ tướng Chính phủ – Chủ tịch Hội đồng quy hoạch quốc gia, tham mưu xử lý các vấn đề có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, cơ quan theo quy định tại Quy chế làm việc của Chính phủ.

3. Tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin và chế độ báo cáo trong quá trình lập đồng thời các quy hoạch.

a) Hội đồng quy hoạch quốc gia chỉ đạo, đôn đốc việc phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương trong quá trình lập quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát tình hình triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP .

– Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương rà soát, tổng hợp và báo cáo Hội đồng quy hoạch quốc gia, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ về tình hình triển khai lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.

– Tiếp nhận và phát hiện các nội dung mâu thuẫn, chồng lấn giữa các quy hoạch để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương.

– Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc việc lấy ý kiến về quy hoạch theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương liên quan trong quá trình điều chỉnh các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thuộc danh mục đã được Chính phủ ban hành, đảm bảo tính kế thừa, liên tục, ổn định giữa quy hoạch ở các thời kỳ, bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống trong phát triển các ngành và các vùng trong cả nước, giữa các địa phương trong vùng và khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của đất nước. Kiên quyết chống tham nhũng lợi ích nhóm, trục lợi chính sách trong quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch, xử lý nghiêm các vi phạm.

– Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lấy ý kiến các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương có liên quan đối với nội dung quy hoạch tỉnh; báo cáo Hội đồng quy hoạch quốc gia xem xét, cho ý kiến đối với trường hợp có ý kiến khác nhau giữa Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương.

– Báo cáo tình hình triển khai lập các quy hoạch thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp để báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 31 tháng 10 hằng năm; báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý khi phát hiện có mâu thuẫn, chồng lấn giữa các quy hoạch.

4. Xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch đảm bảo vận hành thống nhất trên phạm vi cả nước phục vụ cho hoạt động quy hoạch.

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và ban hành hướng dẫn quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch trong quý IV năm 2020.

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và ban hành hướng dẫn quản lý, khai thác hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được chuẩn hóa và được cập nhật thường xuyên để tạo dữ liệu khung cho hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch trong quý III năm 2020.

c) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương.

– Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; phối hợp xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch.

– Chia sẻ, cập nhật thông tin và cơ sở dữ liệu về quy hoạch, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, địa phương thuộc phạm vi quản lý trên hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch để phục vụ việc tổ chức lập đồng thời quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030.

5. Nâng cao năng lực cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động quy hoạch

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về tăng cường năng lực quản lý nhà nước trong quản lý hoạt động quy hoạch.

– Phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan phổ biến, giáo dục pháp luật về quy hoạch.

b) Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương.

Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về quy hoạch cho các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này, thông tin về tình hình, kết quả triển khai nhiệm vụ và định kỳ gửi báo cáo trước ngày 31 tháng 10 hằng năm về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hội đồng quy hoạch quốc gia để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm rà soát, đề xuất điều chỉnh Quyết định số 1226/QĐ-TTg ngày 24 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Hội đồng Quy hoạch quốc gia, Quyết định số 448/QĐ-HĐQHQG ngày 23 tháng 11 năm 2018 của Chủ tịch Hội đồng quy hoạch quốc gia ban hành Quy chế Hội đồng quy hoạch quốc gia để phù hợp với nội dung các nhiệm vụ nêu trên, đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt trong quá trình lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia, hoàn thành trong tháng 8 năm 2020.

3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Chỉ thị này; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Hội đồng quy hoạch quốc gia những vấn đề phát sinh./.

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Hội đồng quy hoạch quốc gia;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Văn phòng Trung ương Đảng;
– Văn phòng Tổng Bí thư;
– Văn phòng Quốc hội;
– VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: CN, KTTH, KGVX, NN, QHĐP, PL;
– Lưu: VT, CN (2) Vượng.

THỦ TƯỚNG

Nguyễn Xuân Phúc

Cấp giấy phép cho nhà thầu nước ngoài 

Thành lập Công ty, Thành lập Hộ kinh doanh 

Đầu tư nước ngoài 

Dịch vụ khai thuế ban đầu

Thành lập trung tâm ngoại ngữ

Đánh giá bài viết

Contact Me on Zalo

0763 387 788