QUYẾT ĐỊNH 2098/QĐ-UBND PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH GIAI ĐOẠN 2020 – 2025.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2098/QĐ-UBND | Trà Vinh, ngày 24 tháng 4 năm 2020 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH GIAI ĐOẠN 2020 – 2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12/6/2017;
Căn cứ Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 641/TTr-STP ngày 31/3/2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2020 – 2025.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: – Như Điều 2; – Bộ Tư pháp (b/c); – Vụ Pháp luật DS-KT (BTP); – Cục Công tác phía Nam – BTP; – CT, các PCT UBND tỉnh; – BLĐ VPUBND tỉnh; – Lưu: VT, NC. | KT. CHỦ TỊCH Lê Văn Hẳn |
CHƯƠNG TRÌNH
HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH GIAI ĐOẠN 2020 – 2025
(Kèm theo Quyết định số 2098/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
a) Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tiếp cận với các thông tin pháp lý, từ đó nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động phòng chống rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp.
b) Xác định trách nhiệm từng sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là các cơ quan, đơn vị) trong việc phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức, thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đảm bảo trên 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh tiếp cận với các chính sách pháp luật do Trung ương và địa phương ban hành thông qua các hình thức triển khai phù hợp.
b) Đảm bảo trong giai đoạn triển khai thực hiện Chương trình, tổ chức bồi dưỡng tập huấn ít nhất 01 lần/năm để bồi dưỡng nghiệp vụ cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
c) Xây dựng và hình thành mạng lưới tư vấn pháp luật bao gồm Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia mạng lưới tư vấn pháp luật.
II. ĐỐI TƯỢNG THỤ HƯỞNG
1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp) có nhu cầu cần được hỗ trợ thông tin pháp lý cho doanh nghiệp.
2. Người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
3. Các cơ quan, đơn vị thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
III. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG
1. Hoạt động cung cấp thông tin
1.1. Xây dựng các chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị
a) Nội dung thực hiện
Xây dựng chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Trang thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin về pháp lý có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm:
– Giới thiệu các nội dung cơ bản về các chính sách mới có liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
– Thông tin về các vướng mắc đã được cơ quan có thẩm quyền giải đáp cho doanh nghiệp về những quy định của pháp luật kinh doanh.
– Thông tin về các hoạt động khác có liên quan đến chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
b) Cơ quan thực hiện
– Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
– Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Cục thuế tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
1.2. Xây dựng chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên phương tiện phát thanh, truyền hình
a) Nội dung thực hiện
Hỗ trợ cung cấp thông tin trên Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh các nội dung về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoặc vướng mắc về các chính sách, pháp luật của nhà nước mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn, trở ngại trong quá trình kinh doanh.
b) Cơ quan thực hiện
– Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
– Cơ quan phối hợp: Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
2. Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật
2.1. Điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động
a) Nội dung thực hiện
Tổ chức điều tra, khảo sát, xác định nhu cầu và nội dung bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp; người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật.
b) Cơ quan thực hiện
– Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
– Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.
2.2. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp
a) Nội dung thực hiện
Biên soạn nội dung tài liệu hỗ trợ pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp theo các chuyên đề đã được khảo sát tại mục 2.1 hoặc các chính sách pháp luật có liên quan đến kinh doanh mà các doanh nghiệp thường gặp trong quá trình kinh doanh như: Thực thi pháp luật về thuế, hải quan, pháp luật xử lý vi phạm trong kinh doanh, giải quyết tranh chấp, phá sản,…
b) Cơ quan thực hiện
– Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
– Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.
2.3. Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật
a) Nội dung thực hiện
– Biên soạn nội dung tài liệu về bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật.
– Tổ chức các lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật.
b) Cơ quan thực hiện
– Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
– Cơ quan phối hợp: Các cơ quan, đơn vị có liên quan.
3. Hoạt động tư vấn pháp luật
3.1. Nội dung thực hiện
Xây dựng mạng lưới tư vấn viên pháp luật và tổ chức vận động Luật gia, Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia mạng lưới tư vấn pháp luật.
3.2. Cơ quan thực hiện
– Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.
– Cơ quan phối hợp: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Công Thương, Cục thuế tỉnh, Hội Luật gia tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
IV. KINH PHÍ
Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện theo quy định hiện hành.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động theo Chương trình đã được phê duyệt. Chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch này và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Tài chính phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, phân bổ kinh phí thực hiện Chương trình này theo quy định của pháp luật.
3. Các sở, ban, ngành tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Tài chính thực hiện các nội dung được phân công tại Chương trình này.
4. Trên cơ sở Chương trình này, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện tại địa phương.
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Tư pháp để được hướng dẫn thực hiện./.
Thành lập Công ty, Thành lập Hộ kinh doanh
BÀI VIẾT LIÊN QUAN