Văn bản hướng dẫn số 2686/HDLN:GDĐT-YT

VĂN BẢN HƯỚNG DẪN SỐ 2686/HDLN:GDĐT-YT

UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO – SỞ Y TẾ

——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————

Số: 2686/HDLN:GDĐT-YT

Hà Nội, ngày 25 tháng 8 năm 2020

 

HƯỚNG DẪN LIÊN NGÀNH

VỀ VIỆC PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID-19 ĐẦU NĂM HỌC 2020-2021

Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế – Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quy định về công tác y tế trường học; Quyết định số 3635/QĐ-UBND ngày 19/8/2020 của UBND Thành phố về việc ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2020-2021 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GDĐT, Thành ủy Hà Nội, UBND và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố về công tác phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Liên ngành: Sở GDĐT-Sở Y tế Hà Nội hướng dẫn công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố đầu năm học 2020-2021 như sau:

I. Trước ngày học sinh tựu trường

– Nhà trường kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, bệnh năm học 2020-2021 tại đơn vị.

– Chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ và các chất tẩy rửa để thực hiện tổng vệ sinh khử khuẩn trường, lớp trước khi đón học sinh tới trường và duy trì thực hiện vệ sinh hằng ngày.

– Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện vệ sinh phục vụ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh trong trường như nơi rửa tay, nước sạch, dung dịch sát khuẩn, xà phòng, giấy sạch hoặc khăn để lau tay. Bố trí thùng rác có nắp lật để ở những nơi dễ tiếp cận, trong nhà vệ sinh, nơi rửa tay.

– Chuẩn bị nhiệt kế điện tử đo thân nhiệt và khẩu trang, vật tư y tế, cơ số thuốc, trang thiết bị thiết yếu theo đúng yêu cầu tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế và Bộ GDĐT; Quyết định số 827/QĐ-SYT ngày 06/5/2015, Công văn số 3586/SYT-NVY ngày 23/7/2015 của Sở Y tế Hà Nội. Có cán bộ y tế để phối hợp xử lý khi có tình huống bất thường về công tác phòng, chống dịch xảy ra tại đơn vị.

– Chuẩn bị tài liệu và thực hiện tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh học sinh đúng theo hướng dẫn của cơ quan y tế.

– Tổ chức tập huấn cho tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường những kiến thức cơ bản về phòng chống dịch bệnh do COVID-19 gây ra.

– Yêu cầu các cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thuộc đối tượng cần phải cách ly y tế (nếu có) phải tuân thủ tuyệt đối cách ly y tế theo đúng quy định.

– Phối hợp với các cơ sở y tế tại địa phương theo dõi sức khỏe của cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

– Yêu cầu các cá nhân trong trường bao gồm cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh thực hiện khai báo y tế theo mẫu tờ khai (100% học sinh thực hiện khai báo y tế trong ngày đầu đến trường, giáo viên chủ nhiệm rà soát nội dung tờ khai nếu có bất thường cần phối hợp cán bộ y tế để xử lý), nếu có điện thoại thông minh thì thực hiện cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone để tự theo dõi các tiếp xúc gần, tự bảo vệ bản thân và bảo vệ cộng đồng.

II. Khi học sinh đi học

1. Đối với nhà trường

– Thường xuyên cập nhật các thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch bệnh do COVID-19 gây ra trên các trang thông tin chính thức của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ GDĐT, Thành ủy Hà Nội, UBND và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố, Sở Y tế, Sở GDĐT để tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh bằng nhiều hình thức khác nhau.

– Không tổ chức các hoạt động tập thể, tập trung đông người, hoạt động ngoại khóa, tham quan thực tế…, tổ chức chào cờ tại lớp học, hạn chế các hoạt động có sự tham gia của nhiều lớp.

– Khuyến khích mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên học sinh sử dụng bình (chai) nước uống cá nhân; thực hiện đeo khẩu trang khi đến trường, khi tham gia giao thông và nơi công cộng.

– Thực hiện ăn chín, uống sôi, đảm bảo công tác vệ sinh an toàn thực phẩm tại bếp ăn của nhà trường. Không tổ chức ăn tập trung đông người, nên tổ chức chia làm nhiều đợt (đối với các trường có ăn bán trú).

– Nhân viên bảo vệ nhà trường hạn chế người không có nhiệm vụ vào trường, nếu khách, đến trường có lịch hẹn hoặc trao đổi công tác phải thực hiện các biện pháp phòng dịch (đo kiểm tra thân nhiệt, yêu cầu khách đeo khẩu trang và sát khuẩn tay trước khi vào trường).

– Đối với các phương tiện đưa đón học sinh sau mỗi chuyến đi phải thực hiện khử khuẩn tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe bằng chất tẩy rửa. Trên xe phải có bình sát khuẩn tay nhanh để học sinh sát khuẩn tay nhanh khi lên xe và trước khi rời xe.

– Yêu cầu cán bộ, giáo viên, học sinh thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng hoặc sát khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn tay nhanh tại các thời điểm: trước khi vào lớp học, trước và sau khi ăn, sau mỗi giờ ra chơi, sau khi đi vệ sinh và khi thấy tay bẩn.

– Trong điều kiện về dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhà trường cần phối hợp chặt chẽ với phụ huynh và gia đình theo dõi sức khỏe của học sinh để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp bất thường theo quy định của ngành y tế. Thông tin về sĩ số học sinh đi học hàng ngày của mỗi lớp cần được nhà trường quản lý chặt chẽ, các trường hợp học sinh nghỉ học cần biết rõ lý do, nhất là có yếu tố có liên quan đến dịch tễ hay không trước khi học sinh trở lại lớp.

– Đảm bảo các phòng học được thông thoáng, tăng cường thông gió tự nhiên bằng cách mở cửa sổ, cửa ra vào, hạn chế sử dụng điều hòa; theo dõi và thường xuyên nhắc nhở học sinh, giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường đảm bảo giãn cách theo quy định; đeo khẩu trang đúng cách; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; không dùng chung các đồ dùng cá nhân; bỏ rác đúng nơi quy định.

– Hàng ngày nhà trường duy trì thực hiện vệ sinh, khử khuẩn trường, lớp bằng cách phun hoặc lau nền nhà, tường nhà (nếu có thể), tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập và các đồ vật trong phòng học, phòng chức năng bằng các chất tẩy rửa thông thường như dung dịch tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% clo hoạt tính hoặc dung dịch có chứa ít nhất 60% cồn; kiểm tra, rà soát và bổ sung kịp thời nước sát khuẩn hoặc xà phòng và các vật dụng cần thiết khác để chuẩn bị cho buổi học tiếp theo.

2. Đối với học sinh

– Nghiêm túc chấp hành những quy định về phòng chống dịch do trường đề ra. Thực hiện đeo khẩu trang khi đến trường, trong lớp học, trên đường từ trường về nhà và nơi công cộng.

– Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh trước khi vào lớp học, trước và sau khi ăn, sau mỗi giờ ra chơi, sau khi tháo bỏ khẩu trang, sau khi đi vệ sinh…

– Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi bằng khăn giấy, khăn vải hoặc khuỷu tay áo, không khạc nhổ bừa bãi, bỏ rác, khẩu trang (nếu có) vào thùng rác ở nơi quy định.

– Không dùng chung các đồ dùng cá nhân như cốc, chai nước, khăn tay… nên sử dụng bình nước uống riêng.

– Khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe (ho, sốt, khó thở…) phải thông báo cho giáo viên chủ nhiệm, phụ huynh, nhà trường và đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị.

3. Đối với giáo viên, nhân viên

– Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với phụ huynh theo dõi thân nhiệt và tình hình sức khỏe của học sinh thông qua các hình thức như: điện thoại, tin nhắn, các trang mạng xã hội…

– Hằng ngày, trước mỗi tiết học giáo viên cần hỏi học sinh về tình trạng sức khỏe, có cảm thấy sốt hay có ho, khó thở, mệt mỏi không. Trong thời gian dạy học, giáo viên cần thường xuyên quan sát tình trạng sức khỏe của học sinh như ho, hắt hơi, mệt mỏi hoặc bất thường khác về sức khỏe… Nếu thấy bất thường báo ngay cho cán bộ y tế trường học và phụ huynh học sinh để xử lý.

– Giáo viên, nhân viên phải thực hiện vệ sinh cá nhân theo quy định (đeo khẩu trang, sát khuẩn tay…) tự theo dõi sức khỏe và đo thân nhiệt hằng ngày. Nếu có sốt, ho, khó thở cần báo ngay cho nhà trường và đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn.

– Giáo viên, nhân viên không được đến trường nếu đang trong thời gian cách ly y tế hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

– Thường xuyên thực hiện tuyên truyền về công tác phòng chống dịch và cách tự bảo vệ bản thân cho học sinh.

4. Đối với phụ huynh học sinh

– Phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt cho con trước khi đến trường.

– Khi đến trường cần tự giác thực hiện và chấp hành nghiêm các biện pháp phòng chống dịch của nhà trường, không tập trung đông người trước cổng trường.

III. Trong ngày khai giảng

– Cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh không dự Lễ Khai giảng nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở.

– Nhà trường có phương án phân luồng học sinh ngay từ đầu giờ, không tổ chức diễu hành từ ngoài cổng vào trường.

– Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh thực hiện đo kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang và đảm bảo giãn cách an toàn khi tham dự buổi Lễ, khuyến khích thường xuyên rửa tay, sát khuẩn.

– Nhà trường chuẩn bị tài liệu về phòng chống dịch để giáo viên chủ nhiệm trong tiết học đầu tiên phổ biến quy chế, kiến thức phòng chống dịch COVID-19 cho toàn bộ học sinh và nhắc nhở học sinh thường xuyên thực hiện.

IV. Chế độ thông tin báo cáo

– Phòng GDĐT đôn đốc và kiểm tra các đơn vị trực thuộc về thực hiện những nội dung chỉ đạo của Ngành tổng hợp báo cáo từ các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, các nhóm trẻ mầm non, mẫu giáo tư thục và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên trên địa bàn.

– Cụm trưởng các trường trung học phổ thông năm học 2020-2021 tổng hợp báo cáo từ các trường trung học phổ thông trong cụm.

– Các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trực thuộc Sở báo cáo trực tiếp về Sở.

Hàng tuần các đơn vị báo cáo định kỳ trước 11h30 thứ Tư về Sở GDDT qua email: cttt@hanoiedu.vn. Trường hợp khi có những vụ việc đột xuất, bất thường, các đơn vị báo cáo nhanh qua số điện thoại 02439411232/0904010044 để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết.

Liên ngành: Sở GDĐT-Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai và thực hiện hướng dẫn./.

 

SỞ Y TẾ
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC

Hoàng Đức Hạnh

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
KT. GIÁM ĐỐC
PHÓ GIÁM ĐỐC

Phạm Xuân Tiến


Nơi nhận:
– Bộ GDĐT;
– Bộ Y tế;
– BCĐ PCD Thành phố;
– Đ/c Giám đốc Sở GDĐT;
– Đ/c Giám đốc Sở Y tế;
– UBND các Q,H,TX;
– Các cơ sở giáo dục;
– Các trung tâm y tế Q,H,TX;
– Các phòng thuộc Sở GDĐT, Sở Y tế;
– Cổng TTĐT Sở GDĐT;
– Lưu: VT, CTTT.

 

Cấp giấy phép cho nhà thầu nước ngoài 

Thành lập Công ty, Thành lập Hộ kinh doanh 

Đầu tư nước ngoài 

Dịch vụ khai thuế ban đầu

Thành lập trung tâm ngoại ngữ

Đánh giá bài viết

Contact Me on Zalo

0763 387 788